Số liệu cho thấy người chết do nCoV trên toàn cầu đã tăng gấp đôi kể từ ngày 27/3. Châu Âu hiện là tâm dịch với 542.191 ca nhiễm và 37.715 ca tử vong, tương đương 54% và 73% toàn cầu, theo AFP. Cho đến ngày 7/3, số ca nhiễm ở Châu Âu chưa tới 10.000.
Sự gia tăng mạnh về số ca đồng nghĩa đại dịch đang lan rộng với tốc độ đáng báo động.
Tình hình ở Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, thậm chí còn đáng báo động hơn. Nền kinh tế lớn nhất thế giới báo cáo thêm 28.295 ca nhiễm và 781 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 243.298 và 5.883. Mỹ ghi nhận ca tử vong đầu tiên hôm 1/3 nhưng đến 2/4, con số này lên gần 6.000, cho thấy số người chết do nCoV tại Mỹ cứ sau ba ngày lại tăng gấp đôi.
Mỹ đang rất cần các loại vật tư, thiết bị y tế để đối phó dịch và có thể ngừng viện trợ vật tư y tế cho các nước đồng minh. Nhiều bang đang khẩn thiết yêu cầu chính phủ hỗ trợ khẩu trang, máy thở, đồ bảo hộ để ứng phó với làn sóng bệnh nhân đổ xô đến bệnh viện. Tổng thống Donald Trump cho biết chính phủ đang giữ lại gần 10.000 máy thở bởi "đợt bùng phát sắp tới rất mạnh" và sẵn sàng phân phối.
Công nhân mặc đồ bảo hộ kiểm tra hành lý từ du thuyền Hà Lan Zaadam sau khi nó cập cảng ở Florida, Mỹ hôm 2/4. Ảnh: AFP. |
Italy ghi nhận thêm 4.668 ca nhiễm và 760 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên 115.242 và 13.915, tiếp tục là vùng dịch chết chóc nhất thế giới.
Tuy nhiên, hai nghiên cứu mới chỉ ra số tử vong thực tế ở Italy cao hơn nhiều số liệu được báo cáo. Theo công ty phân tích dữ liệu InTwig, tại khu vực xung quanh thành phố Bergamo, nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vì Covid-19, khoảng 4.500 người đã chết trong tháng 3, nhưng chỉ có 2.060 người được thống kê.
Một vấn đề khác là Italy ghi nhận số ca nhiễm nCoV thấp hơn thực tế rất nhiều. Nước này đến nay cho biết đã phát hiện gần 111.000 người nhiễm nCoV, nhưng họ mới chỉ xét nghiệm cho những người có triệu chứng. Các quan chức y tế và chính quyền ước tính số người nhiễm nCoV thực tế ở nước này có thể lên tới hàng trăm nghìn, thậm chí 6 triệu người.
Tây Ban Nha xác nhận 112.065 người nhiễm và 10.348 người chết do nCoV sau khi ghi nhận thêm 7.947 ca nhiễm và 961 ca tử vong. Đây là mức tăng ca tử vong hàng ngày lớn nhất từng được ghi nhận từ khi dịch bệnh bùng phát tại Tây Ban Nha.
Tuy nhiên, tỷ lệ ca nhiễm mới ở Tây Ban Nha đạt mức thấp nhất từng được ghi nhận, cho thấy biện pháp phong tỏa dường như đang phát huy hiệu quả trong việc ngăn virus lây lan. "Dữ liệu cho thấy đường cong đã ổn định" và dịch bệnh đã bước vào giai đoạn "chậm lại", Bộ trưởng Bộ Y tế Salvador Illa nói.
Tây Ban Nha áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 14/3 đến 11/4 nhằm hạn chế virus lây lan, dù nền kinh tế chịu tác động nghiêm trọng. Bộ Lao động Tây Ban Nha cho biết đã nhận được hơn 300.000 đơn xin trợ cấp thất nghiệp mới trong tháng ba, mức tăng hàng tháng cao nhất từng được ghi nhận.
Đức vẫn là vùng dịch lớn thứ ba châu Âu khi ghi nhận thêm 6.813 ca nhiễm và 176 ca tử vong, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 84.794 và 1.107. Tỷ lệ tử vong ở Đức khá thấp, chỉ 1,3%, dường như nhờ áp dụng chiến lược xét nghiệm diện rộng. Đức cũng có nhiều giường chăm sóc đặc biệt, cùng dịch vụ chăm sóc sức khỏe được nhà nước chi trả.
Chính phủ Đức đã ra lệnh đóng cửa hầu hết cửa hàng, trường học và áp lệnh cấm tụ tập quá hai người ít nhất đến ngày 19/4. Đức cũng đã tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân Covid-19 trong tình trạng nghiêm trọng từ các quốc gia Liên minh châu Âu (EU).
Anh báo cáo thêm 4.244 ca nhiễm và 569 trường hợp tử vong, mức tăng ca tử vong hàng ngày lớn nhất từng được ghi nhận tại nước này, nâng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 33.718 và 2.921.
Thủ tướng Anh Boris Johnson, người đang tự cách ly tại nhà vì nhiễm nCov, hôm qua tuyên bố Anh sẽ "tăng cường xét nghiệm", trong khi Bộ trưởng Y tế đặt mục tiêu thực hiện 100.000 xét nghiệm mỗi ngày trong hai tuần. Chính phủ Anh trước đó chịu nhiều chỉ trích vì không xét nghiệm rộng rãi, đặc biệt đối với nhân viên y tế tuyến đầu. Giới chức tiết lộ chỉ 2.000 trong số 500.000 nhân viên y tế Anh được xét nghiệm nCoV.
Iran tiếp tục là vùng dịch lớn thứ hai châu Á, sau Trung Quốc, với 50.468 ca nhiễm và 3.160 ca tử vong.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani cảnh báo tại cuộc họp nội các hôm qua rằng Covid-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, thậm chí tới cuối năm. Theo lịch Ba Tư, năm nay của Iran sẽ kết thúc vào tháng 3/2021. Rouhani cũng nói rằng Iran có thể thực thi thêm nhiều biện pháp hạn chế ngăn Covid-19.
Nhiều quan chức cấp cao Iran đã bị nhiễm bệnh và trường hợp mới nhất là Chủ tịch quốc hội Ali Larijani, 62 tuổi. Ông hiện được cách ly và điều trị.
Hàn Quốc ghi nhận 86 ca nhiễm mới, đưa số ca nhiễm lên 10.062 và đánh dấu ngày thứ 22 số ca nhiễm mới khoảng 100 hoặc ít hơn. Hàn Quốc cũng báo cáo thêm 5 ca tử vong, nâng số người chết lên 174, với hơn một nửa là bệnh nhân trên 80 tuổi.
Để ngăn chặn các ca nhiễm ngoại nhập, Hàn Quốc từ 1/4 yêu cầu tất cả người nhập cảnh đều phải cách ly trong 14 ngày. Người nước ngoài được cách ly phải tự chi trả toàn bộ chi phí và cài ứng dụng trên điện thoại di động cho phép giới chức giám sát và đảm bảo họ tuân thủ quy tắc.
Trung Quốc chưa công bố ca nhiễm mới. Từ 1/4, nước này bắt đầu đưa số ca nhiễm nCoV không triệu chứng vào số liệu thống kê hàng ngày. Những người nhiễm nCoV không triệu chứng cũng sẽ bị cách ly tập trung 14 ngày.
Tại Đông Nam Á, Malaysia tiếp tục là vùng dịch lớn nhất với 3.116 ca nhiễm và 208 tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự đoán Covid-19 ở Malaysia sẽ đạt đỉnh vào giữa tháng 4, trong khi số ca bệnh nguy kịch ước tính đạt đỉnh trong tuần tới.
Philippines báo cáo 2.633 ca nhiễm và 107 ca tử vong. Thái Lan ghi nhận 1.875 ca nhiễm, trong đó 15 người đã chết, trong khi con số này tại Indonesia lần lượt là 1.790 và 170. Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo dịch bệnh có thể khiến 11 triệu người tại châu Á - Thái Bình Dương lâm vào cảnh nghèo đói nếu không có biện pháp can thiệp và khu vực có thể đối mặt với đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất suốt 20 năm qua.
Huyền Lê
Nguồn Vnexpress