Sỏi trong bao quy đầu!
PGS TS Lê Đình Khánh, Trường Đại học Y Dược Huế
Bệnh án
Bệnh nhân: Nguyễn Minh Ch.
Tuổi 35
Nghề nghiệp xây dựng
Tiền sử không có gì đặc biệt. Bệnh nhân phát hiện hẹp bao quy đầu từ nhở, tuy nhiên do xấu hổ nên không đến viện để điều trị. Phần đầu dương vật ngày càng lớn làm bệnh nhân khó chịu, tiểu khó, nước tiểu sau khi tiểu xong vẫn còn nhỏ giọt tiếp… nên bệnh nhân nhập viện để điều trị
Bệnh nhân đã được phẫu thuật tại BV trường ĐH Y Dược Huế để lấy sỏi và tái tại bao quy đầu. Trong bao quy đầu, chúng tôi lấy ra được >40 viên sỏi có hình dạng khối hình tháp gần như giống nhau.
Hình 1: Hình thái đại thể của dương vật
Hình 2: X quang cho thấy sỏi ở trong bao quy đầu
Hình 3: Phẫu thuật tái tạo bao quy đầu, gắp sỏi
Hình 4: Sỏi
Hình 5: Sau phẫu thuật
Bình thường đầu dương vật (quy đầu) được bao phủ bởi lớp da được gọi là bao quy đầu. Bao quy đầu dính vào dương vật ở nơi tiếp giáp giữa thân và đầu dương vật. Bao quy đầu không dính với đầu dương vật, và có thể kéo da quy đầu lên để bọc lộ đầu dương vật.
Hầu hết trẻ khi mới sinh ra có hiện tượng dính bao quy đầu vào quy đầu và chúng ta không thể kéo bao quy đầu lên được. Người ta gọi là hẹp bao quy đầu sinh lý. Ðiều này là bình thường. Khi trẻ lớn bao quy đầu sẽ tách dần khỏi quy đầu và chúng ta có thể dễ dàng kéo bao quy đầu lên, thông thường quá trình tách này sẽ hoàn chỉnh khi trẻ được 4- 5 tuổi.
Hẹp bao quy đầu là tình trạng lỗ mở của bao quy đầu hẹp không thể kéo lên để bọc lộ đầu dương vật và gây hẹp lổ tiểu vì thế cản trở dòng nước tiểu.
Triệu chứng hẹp bao quy đầu:
-Kéo bao quy đầu của trẻ lên, những trẻ có hẹp bao quy đầu bạn không thể kéo bao quy đầu lên đến cổ dương vật.
-Trẻ rặn khi đi tiểu
-Tia nước tiểu yếu
-Nhiễm trùng tiểu tái phát
Về điều trị
Đối với trẻ:
Có 3 cách điều trị hẹp bao quy đầu: điều trị bằng bôi thuốc tại chỗ, nong bao quy đầu mỗi ngày, cắt bao quy đầu
-Ðiều trị bằng thuốc: bôi thuốc mỡ chứa steroid (betamethasone cream 0.05%) vào mặt trong và ngoài da quy đầu 2 lần/ ngày có tác dụng làm giãn rộng bao quy đầu và vì thế cải thiện tình trạng hẹp bao quy đầu. Tỷ lệ thành công với điều trị này là 85 - 95%. Ưu điểm của điều trị này là: trẻ không bị đau, không bị sang chấn về tinh thần cũng như sang chấn tại chỗ do cắt bao quy đầu, rẻ tiền, dễ thực hiện. Sau 3 tháng điều trị nếu hẹp bao quy đầu không cải thiện nên ngưng và coi như thất bại với điều trị.
-Nong bao quy đầu bằng cách kéo căng bao quy đầu mỗi ngày: điều trị này không gây sang chấn cũng như không gây tổn thương về mặt cấu trúc của bao quy đầu, bạn có thể tự làm cho trẻ mà không cần đến BS. Thời gian điều trị thường kéo dài vài tuần. Có thể phối hợp với sử dụng thuốc để tăng tỷ lệ thành công.
-Cắt bao quy đầu: đây là phương pháp xâm lấn và gây đau cho trẻ, có thể có những biến chứng do phẫu thuật vì vậy nó chỉ được đặt ra khi 2 phương pháp trên thất bại.
Đối với người lớn: Một số trường hợp ở người lớn do không được điều trị từ lúc còn nhỏ, phẫu thuật cắt bao qui đầu là cần thiết
Những biến chứng của hẹp bao quy đầu
Nếu hẹp bao quy đầu không được điều trị trẻ có thể có những biến chứng sau:
-Tiểu khó
-Nhiễm trùng tiểu
-Viêm quy đầu
-Tăng nguy cơ ung thư dương vật
-Một số trường hợp do lắng đọng chất bẩn trong bao quy đầu nên có thể tạo sỏi nhỏ
Trong trường hợp bệnh nhân này, các viên sỏi có hình dáng gần như giống nhau. Chúng tôi cũng chưa thể giải thích tại sao.
Các bài viết khác:
- Túi sa niệu quản
- Sỏi niệu đạo khổng lồ
- Sỏi nhỏ tinh hoàn (Testicular Microlithiasis)
- U xơ tiền liệt tuyến “khổng lồ”
- Phẫu thuật tuyến thượng thận qua lối sau
- Hội chứng Conn
- Nhân một trường hợp giãn bẩm sinh đoạn cuối niệu quản thành nang (ureterocele)
- Nhân một trường hợp rối loạn tiểu tiện ở trẻ bị tật nứt đốt sống