Nước tiểu màu tím, máu màu xanh, người đàn ông tự sản sinh ra rượu, ngực bốc cháy dữ dội hay máu trắng đục như sữa... là những hiện tượng y khoa kỳ lạ năm 2019.
Nước tiểu màu tím
Trường hợp này được công bố trên tạp chí Y học New England ngày 31/10. Một phụ nữ ở Pháp, sau 10 ngày nhập viện, đột nhiên nước tiểu trong ống thông của cô chuyển từ màu vàng sang màu tím.
Theo các chuyên gia, tình trạng hiếm gặp trên có tên là "purple urine bag syndrome". Đây là phản ứng hóa học xảy ra bên trong túi ống thông nước tiểu khi indoxyl sulfate và tryptophan tạo thành hợp chất có màu đỏ và xanh, kết hợp thành màu tím.
Tuy đây có thể là triệu chứng báo hiệu tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu nhưng may mắn người phụ nữ trên không bị nhiễm trùng. Nước tiểu của cô dần trở lại bình thường sau 4 ngày tăng hydrat hóa.
Máu màu xanh
Tạp chí Y học New England ngày 19/9 thông tin về trường hợp người phụ nữ trẻ có máu màu xanh. Cô gái 25 tuổi được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng mệt mỏi, khó thở, da đổi màu.
Điều lạ là khi lấy máu ở động mạch, các bác sĩ phát hiện máu của cô thay vì có màu đỏ lại có mày xanh đậm.
Cô gái được chẩn đoán mắc căn bệnh "methemoglobinemia" – chứng rối loạn máu khi hemoglobin, protein trong các tế bào hồng cầu chứa oxy không thể giải phóng lượng oxy trên đến các mô của cơ thể và gây ra tình trạng máu màu xanh. Bệnh có thể do di truyền hoặc do phản ứng với thuốc.
Với trường hợp người phụ nữ trên, sau khi kiểm tra, các bác sĩ phát hiện trước đó cô sử dụng lượng lớn thuốc gây tê tại chỗ để điều trị đau răng. Đây là nguyên nhân khiến máu của cô bị chuyển sang màu xanh.
Người đàn ông "tự sản sinh ra rượu"
Trường hợp đặc biệt này được báo cáo trên tạp chí BMJ Open Gastroenterology ngày 5/8. Người đàn ông 46 tuổi liên tục trải qua cơn say men bí ẩn dù ông ta khẳng định không sử dụng giọt rượu bia nào.
Mọi việc càng trở nên tồi tệ khi trong cơn say ông không thể làm chủ ý thức và xuất hiện những hành vi hung hăng. Gần đây nhất, ông bị bắt vì lỗi điều khiển xe khi trong hơi thở có nồng độ cồn.
Kết quả thăm khám, xét nghiệm cho thấy, ông mắc hội chứng "auto-brewery syndrome". Hội chứng này xảy ra khi các vi sinh vật lên men carbohydrate chuyển thành rượu. Rất may, sau khi được sử dụng kháng sinh, tình trạng được kiểm soát. Hệ thống vi sinh trong đường ruột của người đàn ông trên cũng được phục hồi khỏe mạnh.
Hội chứng "Trái tim tan vỡ"
Ngày 20/9, tạp chí BMJ Case Reports đưa tin về trường hợp người phụ nữ 60 tuổi đột ngột lên cơn đau tim sau khi ăn cỗ cưới vì lỡ nuốt một lượng lớn wasabi.
Người phụ nữ cho biết, bà bắt đầu thấy tăng áp lực đột ngột ở lồng ngực sau khi dùng bữa.
Bà được đưa đến bệnh viện với chẩn đoán mắc hội chứng "broken-heart syndrome" (hội chứng trái tim tan vỡ). Tình trạng này xảy ra khi tâm thất trái của tim bị mở rộng quá mức và suy yếu khiến máu không được bơm đúng cách. Bệnh thường gặp ở những người bị căng thẳng cảm xúc hay thể chất quá mức.
Về người phụ nữ trên, các bác sĩ cho rằng do ăn quá nhiều wasabi cùng lúc nên bà mới lâm tình trạng như trên. Rất may, sau khoảng 1 tháng điều trị bằng thuốc, sức khỏe của bà hồi phục bình thường.
"Vùng kín" bị hóa thạch
Báo cáo y học được công bố trên tạp chí Urology Case Report cho biết về trường hợp đặc biệt, người đàn ông có vùng kín bị "hóa thạch".
Người đàn ông 63 tuổi đến bệnh viện chụp X-quang kiểm tra vùng xương chậu sau khi bị ngã. Các bác sĩ bất ngờ khi phát hiện toàn bộ trục xương vùng kín của ông đang bị "hóa thạch". Nói một cách khác là toàn bộ phần sụn chuyển thành dạng xương.
Theo các chuyên gia, tình trạng này rất hiếm gặp, trên thế giới mới có khoảng 40 trường hợp được báo cáo trong tài liệu y khoa. Quá trình này xảy ra khi muối canxi bị tích tụ quá nhiều trong các mô mềm.
Ngực bốc cháy dữ dội
Trong báo cáo của Hiệp hội Gây mê châu Âu hồi tháng 6 có thông tin về trường hợp y khoa hy hữu, là ngực một bệnh nhân nam bất ngờ bốc cháy dữ dội khi đang phẫu thuật.
Người đàn ông 60 tuổi có tiền sử bị mắc bệnh phổi mãn tính cần phẫu thật để bổ sung đủ lượng oxy cho cơ thể. Quá trình mổ các bác sĩ dùng một thiết bị đốt điện làm nóng các mô, nhằm ngăn chặn các mạch máu bị chảy.
Tuy nhiên, tia lửa từ thiết bị đốt bất ngờ bén vào gạc phẫu thuật gây cháy. Rất may ngọn lửa sau đó được dập tắt bằng nước muối và bệnh nhân không gặp thương tích gì.
Theo các chuyên gia, sử dụng oxy trong phẫu thuật có thể gặp sự cố "bén lửa". Mặc dù gặp sự cố, nhưng phần còn lại của ca phẫu thuật vẫn diễn ra tốt đẹp và sức khỏe người đàn ông trên cũng dần hồi phục.
"Dằm tóc" đâm vào chân
Đôi khi do sơ ý hay tai nạn bất ngờ mà con người có thể bị một mảnh dằm nhỏ từ cây cối đâm vào tay. Nhưng câu chuyện của người đàn ông 35 tuổi ở Brazil dưới đây thì hoàn toàn khác, bởi "dằm" của anh lại là sợi tóc.
Người đàn ông đến bệnh viện với cơn đau bí ẩn ở gót chân phải. Qua kiểm tra, các bác sĩ không thấy bất cứ điều gì bất thường. Nhưng khi soi kĩ vào phần gót chân, bác sĩ nhận thấy có một sợi tóc như đang gắn vào bên trong da của anh.
Người đàn ông được chẩn đoán mắc chứng bệnh hiếm gặp có tên là "pili migrans". Để điều trị, các bác sĩ dùng nhíp loại bỏ sợi tóc dưới gót chân bệnh nhân. Ngay sau khi được chữa trị, người đàn ông cho biết anh đã hết đau và có thể đi lại bình thường. Ca bệnh hy hữu trên được công bố trên tạp chí The Journal of Emergency Medicine ngày 20/6.
Ăn kiêng đến nỗi mù cả mắt
Ngày 2/9, tạp chí Annals of Internal Medicine đưa tin về trường hợp nam thanh niên 17 tuổi, người Anh bị mù cả 2 mắt do ăn kiêng quá mức.
Nam thanh niên được đưa tới bệnh viện trong tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng vitamin B12, thính giác bị ảnh hưởng, mất thị lực cả 2 bên mắt, tổn thương dây thần kinh thị giác.
Khai thác tiền sử được biết nam thanh niên trên bắt đầu ăn kiêng từ năm 15 tuổi. Thứ duy nhất anh ta ăn là khoai tây chiên, bánh mỳ trắng và một chút giăm bông, xúc xích. Anh được chẩn đoán tổn thương dây thần kinh thị giác do thiết hụt chất dinh dưỡng.
Theo các chuyên gia, vitamin B rất cần thiết để phục vụ cho các phản ứng của tế bào. Thiếu hụt vitamin này có thể dẫn đến tình trạng tích tụ các sản phẩm phụ độc hại, làm phá hủy các tế bào thần kinh.
Nam thanh niên sau đó được kê đơn thuốc và bổ sung chế độ ăn dinh dưỡng. Anh cũng được chuyển đến trung tâm chăm sóc sức khỏe tâm thần để điều trị chứng rối loạn ăn uống.
"Sụp" mống mắt
Tạp chí Y học New England ngày 10/4 thông tin về trường hợp người đàn ông bị sụp mống mắt hiếm gặp. Người này ở Đài Loan đến bệnh viện sau khi bị đánh vào mắt trái. Tai nạn khiến ông bị đau nhức nhiều, thị lực giảm, mờ dần và hình ảnh bị phân đôi.
Ông được chẩn đoán mắc "iridodialysis" (mống mắt phân ly) – một dạng chấn thương mắt xảy ra khi mống mắt bị tách ra khỏi cấu trúc tròn phía sau.
Để điều trị, người đàn ông trải qua ca phẫu thuật để định vị lại mống mắt của mình. Rất may sau đó hình dạng đồng tử của anh đã được phục hồi và thị lực cũng được cải thiện.
Máu trắng như sữa
Trường hợp hiếm gặp trên được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine ngày 25/2, khi một người đàn ông nhập Bệnh viện Đại học Cologne (Đức) cấp cứu trong tình trạng buồn nôn, nôn, đau đầu và mất dần ý thức.
Khai thác tiền sử được biết người này mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, nhưng lại không uống thuốc thường xuyên. Các xét nghiệm cho thấy anh ta có lượng chất béo trung tính cao đột biến, hơn 14.000mg/dL, gần 18.000mg/dL. Tình trạng khiến máu của người đàn ông có màu trắng đục như sữa.
Các bác sĩ nhận định béo phì, chế độ ăn uống, kháng insulin và khuynh hướng di truyền góp phần khiến bệnh nhân ông rơi vào tình trạng trên.
Các bác sĩ sử dụng chiếc máy để lọc chất béo (phân tách huyết tương) ra khỏi máu người đàn ông. Tuy nhiên, chiếc máy cũng bị tắc do nồng độ mỡ máu quá cao. Các bác sĩ đành sử dụng phương pháp trích máu thủ công.
Quá trình trích, các bác sĩ rút 2 lít máu trong cơ thể bệnh nhân, sau đó truyền tế bào hồng cầu cô đặc, huyết tương tươi đông lạnh và dung dịch nước muối sinh lý. 5 ngày sau bệnh nhân hồi phục.
- ĐÔI ĐIỀU VỂ TIẾT NIỆU VÀ NAM KHOA (26/01/2023)
- Cẩm nang về bệnh tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt (11/12/2022)
- Liệu pháp tế bào an toàn và hiệu quả ở phụ nữ són tiểu đã được điều trị bằng phẫu thuật trước đó (26/01/2022)
- Có mối liên quan giữa COVID-19 và bất lực? (16/01/2022)
- Thuốc trừ sâu liên quan đến bệnh thận mạn ở nông dân (03/01/2022)
- QUÁ TRÌNH LỌC MÁU DO BỆNH THẬN MẠN TÍNH Ở NAM GIỚI THƯỜNG BẮT ĐẦU SỚM HƠN SO VỚI NỮ GIỚI (13/12/2021)
- Ứng dụng siêu âm Doppler trong phẫu thuật thắt tĩnh mạch thừng tinh vi phẫu tại Bệnh Viện Trường ĐH Y Dược Huế (03/05/2020)
- Tỷ lệ nhiễm trùng tăng trước khi phát hiện ung thư (02/05/2020)
- Bốn giai đoạn điều trị Covid-19 (12/04/2020)
- Hơn một triệu người nhiễm nCoV toàn cầu (03/04/2020)
- Làm Thế Nào Để Có Sức Khỏe Tốt? (26/12/2019)
- Lãnh cảm - bệnh khó nói nhưng dễ chữa (18/12/2019)
- Suy tuyến giáp ảnh hưởng khả năng sinh sản (11/12/2019)
- Vi khuẩn bệnh than có thể là công cụ tiếp theo trong cuộc chiến chống ung thư bàng quang (13/11/2019)
- Việt Nam đang ở tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (29/10/2019)
- Bác sĩ, bệnh viện góp phần đẩy nhanh tình trạng kháng kháng sinh (26/10/2019)
- 80.000 ca ung thư ở Hoa Kỳ liên quan đến ăn uống (19/10/2019)
- Mục tiêu điều trị tiềm năng bệnh ung thư tuyến tiền liệt dựa vào đột biến gen PTEN (13/10/2019)
- 5 điều bạn có thể chưa biết về quá trình hình thành tinh trùng (04/05/2017)
- Vi rút Zika có thể gây teo tinh hoàn? (01/11/2016)