QUÁ TRÌNH LỌC MÁU DO BỆNH THẬN MẠN TÍNH Ở NAM GIỚI THƯỜNG BẮT ĐẦU SỚM HƠN SO VỚI NỮ GIỚI

Các nghiên cứu cho thấy rằng sự khác biệt đáng kể về thời gian bắt đầu cần lọc máu (thận nhân tạo) giữa nam và nữ có bệnh thận mạn tính, nhưng chưa có lời giải thích rõ ràng về vấn đề này.

Trong số những bệnh nhân mắc bệnh thận mạn (CKD), nam giới có xu hướng cần lọc máu sớm hơn nữ giới. Theo một nghiên cứu gần đây, sự khác biệt này giữa hai giới không được giải thích bởi sự tiến triển của bệnh thận mạn.

Manfred Hecking, MD, Tiến sĩ, Đại học Y Vienna ở Áo và các cộng sự kết luận trong một bài báo đăng trên tạp chí Kidney International Reports: “Mặc dù cơ chế là chưa rõ ràng nhưng phát hiện này giúp giải thích tại sao lại có nhiều nam hơn trong các bệnh nhân được lọc máu”

Tiến sĩ Hecking và các cộng sự đã tiến hành Nghiên cứu mô hình thực hành và Kết quả điều trị bệnh thận mạn (CKDopps) trên 8237 bệnh nhân (4811 nam và 3426 nữ) mắc bệnh thận mạn giai đoạn 3 - 5. Các bệnh nhân là người Hoa Kỳ, Brazil, Pháp và Đức.

Trong thời gian theo dõi trung bình là 2,57 năm, 23% nam giới bắt đầu trị liệu thay thế thận (KRT) so với 18% nữ giới. Nam giới khả năng bắt đầu lọc máu sớm hơn 50% so với nữ giới mà không liên quan đến tuổi, chủng tộc, bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, albumin niệu và Độ dốc mức lọc cầu thận ước tính (eGFR) 2 lần (1 lần trong 12 tháng đầu tiên sau khi tham gia nghiên cứu và 1 lần sau khi đăng ký tham gia). Sau khi hiệu chỉnh tất cả các biến số này, các nhà nghiên cứu không tìm thấy sự khác biệt nào giữa hai giới về khả năng ghép thận hoặc tử vong trước khi trị liệu thay thế thận.

Đối với quần thể nghiên cứu, 93% số ca bắt đầu trị liệu thay thế thận ở nam giới và phụ nữ là lọc máu. Các nhà nghiên cứu đặc biệt chú ý rằng Pháp có tỷ lệ bệnh nhân ghép thận được lựa chọn là trị liệu thay thế thận đầu tiên cao hơn rõ rệt (13% cho cả nam và nữ) so với các nước khác (7% cho cả nam và nữ nói chung).

Nhóm nghiên cứu của Tiến sĩ Hecking nhấn mạnh rằng họ chưa thể xác định các yếu tố giải thích tại sao nam và nữ khác nhau về khả năng bắt đầu Trị liệu thay thế thận, vì tất cả các biến có sẵn được điều chỉnh trong phân tích này không giải thích được sự khác biệt. Họ cũng nhấn mạnh rằng: “Cần nhận thức rằng cách điều trị bệnh thận mạn cho nữ giới có thể khác so với nam giới là yếu tố quan trọng và cần được thảo luận cởi mở và tiến hành các nghiên cứu bổ sung”.

Tài liệu tham khảo

Hecking M, Tu C, Zee J, et al. Sex-specific differences in mortality and incident dialysis in the Chronic Kidney Disease Outcomes and Practice Patterns Study (CKDopps). Kidney Int Rep. Published online December 1, 2021. doi:10.1016/j.ekir.2021.11.018

Lượt dịch từ Renal & Urology News

Võ Thị Hồng Ngọc - Lê Thị Ngọc Ánh

Nguồn: Hội Tiết niệu - Thận học Thừa Thiên Huế
Các tin khác: