Điều lệ Hội tiết niệu - Thận học Thừa Thiên Huế

Chương I

TÊN GỌI, TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

 

Điều 1. Hội lấy tên gọi là Hội Tiết niệu - Thận học Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Hội).

Tên giao dịch quốc tế: Thua Thien Hue Nephro - Urological Association.

 Điều 2. Hội là tổ chức xã hội nghề nghiệp của những người hoạt động khoa học kĩ thuật trong chuyên ngành tiết niệu, thận học, thận nhân tạo, nam học quân và dân y, trong và ngoài ngành y tế, tự nguyện xin gia nhập Hội để thống nhất tổ chức, thống nhất hành động nhằm nâng cao y đức, nâng cao trình độ khoa học kĩ thuật, phục vụ người bệnh, đào tạo cán bộ, giao lưu quốc tế, trao đổi và tiếp thu những tiến bộ mới của ngành, để xây dựng và phát triển ngành Tiết niệu - Thận học Thừa thiên Huế. 

Điều 3. Hội  có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản. Trụ sở đóng tại khoa Tiết niệu, Bệnh viện Trung ương Huế. 

Điều 4. Hội là thành viên của Hội tiết niệu - Thận học Việt Nam, thành viên của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, hoạt động theo pháp luật của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và điều lệ Hội được Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.

Hội được phép gia nhập các Hội chuyên ngành Tiết niệu Thận học quốc tế và khu vực theo quy định của pháp luật. 

Điều 5. Mục đích của Hội  là:

Trao đổi kinh nghiệm chuyên môn và khoa học kĩ thuật, tiếp thu những thông tin chuyên ngành trong và ngoài nước nhằm động viên và giúp đỡ hội viên trau dồi y đức, nâng cao trình độ chuyên môn kĩ thuật, phát triển công tác nghiên cứu khoa học, tiếp thu và áp dụng những kĩ thuật tiến bộ mới của ngành đang phát triển trong khu vực và trên thế giới.

Góp phần đào tạo một đội ngũ cán bộ chuyên sâu về Tiết niệu - Thận học, xây dựng mạng lưới của ngành tới các cơ sở, góp phần tích cực trong việc chuẩn hóa học vị, học hàm cho các cán bộ để sự phát triển của ngành luôn luôn liên tục và vững chắc.

Trong giao lưu quốc tế, Hội luôn thực hiện đúng pháp luật của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Các hoạt động của Hội chịu sự chỉ đạo của Hội Tiết niệu Thận học Việt nam. Hoạt động của Hội hòa nhập với hoạt động của các Hội Tiết niệu - Thận học của các nước dưới các hình thức: Trao đổi thông tin, tổ chức các hội thảo trong nước, có người nước ngoài tham dự, giới thiệu hội viên đi dự các hội nghị khoa học hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, giới thiệu các hội viên tham gia vào các Hội Tiết niệu - Thận học trong khu vực và trên thế giới.

Tôn trọng tôn chỉ mục đích, nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ, các chương trình, kế hoạch hoạt động, thực hiện đầy đủ các nghĩa của Tổng hội Y Dược học Việt nam, Hội Tiết niệu - Thận học Việt nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Chương II

HỘI VIÊN

 

Điều 6. Tiêu chuẩn hội viên.

Những người có những tiêu chuẩn sau sẽ được công nhận là hội viên:

1. Tán thành điều lệ của Hội, tự nguyện tham gia hoạt động cho hội.

2. Là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chuyên khoa cấp 1, cấp 2, các bác sỹ, cử nhân điều dưỡng chuyên khoa tiết niệu, thận học, thận nhân tạo, chuyên ngành nam học.

3. Các kĩ thuật viên cao cấp thuộc các chuyên ngành trên có kinh nghiệm  công tác trong ngành từ 5 năm trở lên.

4. Các cán bộ khoa học kĩ thuật thuộc các chuyên ngành khác nhưng có nhiều thành tích đóng góp cho ngành tiết niệu, thận học, thận nhân tạo, chuyên ngành nam học và phải có hai hội viên giới thiệu để Ban Chấp hành Hội xem xét, quyết định.

Điều 7. Hội viên có những nhiệm vụ sau:

1. Tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh điều lệ của Tổng hội Y Dược học Việt nam, điều lệ của Hội Tiết niệu - Thận học Việt Nam, điều lệ của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và điều lệ này, chấp hành mọi chủ trương nghị quyết của Ban Chấp hành Hội.

2. Tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi y đức và kiến thức chuyên ngành nhằm nâng cao trình độ, góp phần phục vụ tốt cho sức khoẻ của nhân dân.

3. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, phổ biến thông tin khoa học công nghệ, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cho ngành.

4. Tuyên truyền và phát triển hội viên mới.

5. Sinh hoạt và đóng hội phí đầy đủ, đúng kì hạn. 

Điều 8. Hội viên có những quyền lợi như sau:

1. Được tham gia các hoạt động Hội, có quyền thảo luận, biểu quyết về chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội, có quyền bầu cử và ứng cử vào Ban Chấp hành hội.

2. Được bồi dưỡng, học tập qua các buổi hội thảo hoặc các lớp chuyên ngành do Hội tổ chức.

3. Được Hội khuyến khích và giúp đỡ tạo điều kiện trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kĩ thuật ứng dụng, ở các mức độ khác nhau.

4. Trình bày đề cương nghiên cứu của mình để Hội tham gia ý kiến về phương hướng và cách tiến hành.

5. Báo cáo kết quả công trình trong các buổi sinh hoạt Hội.

6. Được bảo vệ mọi quyền lợi hợp pháp như quyền được giới thiệu, đăng bài trên các tạp chí, nội san của Tổng hội và của Hội, quyền tác giả sáng tác và được đề nghị được khen thưởng với những công trình nghiên cứu có giá trị.

7. Được Hội giới thiệu đi dự các hội nghị quốc tế hoặc các đợt tu nghiệp ở nước ngoài về chuyên ngành của mình.

8. Được hướng dẫn bảo vệ luận án khoa học trong các kỳ thi dành học vị khoa học.

 9. Được hưởng mọi quyền lợi do Hội quy định.

 10 Có quyền xin ra Hội khi không tán thành điều lệ Hội hoặc nghỉ sinh hoạt Hội khi tuổi già, sức yếu.

 

Chương III

TỔ CHỨC CỦA HỘI

 

Điều 9. Hội là Hội thành viên của Hội Tiết niệu Thận học Việt nam, của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế.

Hội tổ chức hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, trên cơ sở tự nguyện, tự quản, tự trang trải về tài chính.  

Điều 10. Đại hội định kì của Hội được tổ chức 5 năm một lần. Có thể triệu tập đại hội bất thường khi có 2/3 số hội viên yêu cầu và được quá 1/2 số uỷ viên Ban chấp hành Hội đồng ý. 

Điều 11. Đại hội có nhiệm vụ:

1. Thông qua báo cáo tổng kết nhiệm kì và phương hướng hoạt động của Hội.

2. Thảo luận báo cáo kiểm điểm nhiệm kì của BCH.

3. Bầu Ban Chấp hành và Ban kiểm tra.

3. Thảo luận, phê duyệt quyết toán tài chính và thông qua kế hoạch tài chính khóa mới.

4. Sửa đổi, bổ sung điều lệ Hội trong trường hợp cần thiết.

5. Thông qua nghị quyết Đại hội. 

Điều 12. Hội  hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của BCH do Đại hội bầu ra.

BCH là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kì Đại hội. Nhiệm kì của BCH là 5 năm. BCH hoạt động theo quy chế được tập thể BCH thông qua.

Số lượng uỷ viên BCH không quá 10 người do Đại hội bầu ra. Những uỷ viên này phải đạt quá nửa số phiếu bầu tính trên tổng số Đại biểu dự Đại hội. 

Điều 13. Nhiệm vụ và quyền hạn của BCH Hội

Nhiệm vụ:

1. Tôn trọng và thi hành các điều lệ của Hội.

2. Triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội.

3. Tổ chức sinh hoạt khoa học định kì để thông báo, giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học chuyên ngành tiết niệu và thận học.

4. Tổ chức hội thảo từng đề tài chuyên sâu của ngành để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức cho hội viên.

5. Tổ chức các lớp học tập chuyên ngành trong nước.

6. Bồi dưỡng hướng dẫn cho hội viên các đề tài nghiên cứu khoa học. Giúp đỡ hội viên trong việc hoàn thành bệnh án để dành các học vị khoa học.

7. Đề nghị chính quyền các cấp tổ chức đào tạo và xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ chuyên ngành tiết niệu, thận học.

8. Giới thiệu hội viên tham dự các buổi hội thảo hoặc đi tu nghiệp ở nước ngoài.

9. Xuất bản sách báo, tạp chí chuyên ngành.

10. BCH Hội họp định kỳ một năm hai lần lần.

11. Theo định kỳ hàng năm, báo cáo mọi hoạt động của Hội lên Hội Tiết niệu Thận học Việt nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh và cơ quan quản lý nhà nước về hội. 

Quyền hạn:

1. Điều hành mọi hoạt động của Hội.

2. Công nhận hội viên.

3. Trong nhiệm kì, được quyền bổ sung các uỷ viên BCH Hội để bù vào số lượng ủy viên thiếu hoặc không còn hoạt động được cho Hội khi số lượng ủy viên BCH bị giảm đi 1/3 .

4. Giới thiệu danh sách những người được đề cử vào BCH Hội trong nhiệm kỳ sau.

5. Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu khoa học, trong các hoạt động của Hội hoặc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

6. Xử lý những trường hợp vi phạm kỉ luật và báo cáo lên cấp trên. 

Điều 14. Ban thường vụ Hội

Ban thường vụ gồm có: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư kí. Ban thường vụ họp thường kì 3 tháng một lần. 

Ban thường vụ có các nhiệm vụ:

1. Thay mặt BCH điều hành các hoạt động của Hội giữa hai kì họp.

2. Báo cáo kiểm điểm công tác trong các kì họp của BCH.

3. Quyết định tổ chức các Hội nghị khoa học.

4. Quyết định các kế hoạch công tác, chương trình hoạt động của Hội.

5. Quyết định gia nhập các tổ chức quốc tế và khu vực theo quy định của pháp luật. 

Điều 15. Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội và Tổng thư kí.

1. Chủ tịch Hội có quyền hạn và trách nhiệm:

Đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật.

Tổ chức triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đại hội, của Hội nghị Đại biểu và các quyết định của BCH.

Triệu tập và chủ trì cuộc họp của BCH Hội.

Phê duyệt nhân sự văn phòng Hội.

Chịu trách nhiệm trước BCH và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội.

Là chủ tài khoản của Hội. 

2. Các Phó Chủ tịch Hội

Phó Chủ tịch là người giúp việc cho Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và được uỷ quyền điều hành công việc của BCH khi Chủ tịch vắng mặt. 

3. Tổng thư kí Hội

Tổng Thư ký Hội là người do BCH đề ra để điều hành trực tiếp mọi hoạt động của Hội. 

Định kì báo cáo cho Ban Thường vụ và BCH về các hoạt động của Hội.

Lập báo cáo hàng năm, báo cáo nhiệm kì của BCH Hội.

Quản lí danh sách hội viên, hồ sơ và tài liệu về các hội viên và các tổ chức trực thuộc Hội.

Chịu trách nhiệm trước BCH về các hoạt động của Hội. 

Điều 16. Ban Kiểm tra

Ban Kiểm tra do Đại hội bầu ra, số lượng uỷ viên Ban kiểm tra do Đại hội quyết định.

Ban Kiểm tra có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện điều lệ, thực hiện các chương trình, kế hoạch hoạt động của Hội đối với mọi đơn vị trực thuộc, mọi cán bộ và hội viên của Hội và có trách nhiệm báo cáo trước BCH và Đại hội. 

Điều 17. Văn phòng Hội và các tổ chức trực thuộc do Ban Thường vụ quyết định thành lập, gồm:

Ban đối ngoại - nghiên cứu khoa học.

Ban đào tạo nghiệp vụ.

Ban tài chính.

Ban báo chí, ấn loát.

Văn phòng Hội có nhiệm vụ điều phối các hoạt động của Hội, của các Ban và các tổ chức khác dưới sự chỉ đạo của Ban thường vụ.

 

Chương IV

TÀI CHÍNH

 

Điều 18. Các nguồn tài chính của Hội gồm:

Hội phí của Hội viên do BCH Hội quy định (không được cao hơn mức do Tổng Hội Y Dược học quy định chung).

Trợ cấp của các cơ quan nhà nước, đoàn thể như Bộ y tế, Tổng Hội Y Dược học Việt Nam.

Các hoạt động gây quỹ của Hội theo quy định của pháp luật.

Viện trợ của các tổ chức hoặc cá nhân trong và ngoài nước. 

Điều 19. Tài chính của Hội do BCH Hội quy định phương thức quản lí và sử dụng theo qui định của pháp luật. 

Điều 20.  Khi Hội giải thể tài sản của Hội được xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Chương V

SỬA ĐỔI ĐIỀU LỆ HỘI

 

Điều 21. Điều lệ này gồm có 5 chương và 21 điều đã được Đại hội thông qua và có hiệu lực thi hành khi được UBND tỉnh phê duyệt.

Chỉ có Đại hội của Hội mới có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ của Hội. 

                                   Huế, ngày 20 tháng 11 năm 2006   

 

Nguồn: Hội tiết niệu - Thận học Thừa Thiên Huế